Cộng Hòa Síp, Viên Ngọc Địa Trung hải, nằm ở giao lộ 3 châu lục Âu – Á – Phi. Cộng đồng Việt tại Síp cũng đã phát triển mạnh mẽ. Người đến đây để nghỉ dưỡng và định cư vì yêu thích khí hậu trong lành, những di tích lịch sử cổ xưa cùng bờ biển đẹp như ngọc của Síp.
Người Việt tập trung nhiều tại Síp
Thành phố Limassol là nơi có đông người Việt sinh sống, làm ăn tại CH Síp. Tại đây có cả những cửa hàng bán đồ khô của Việt Nam do người Việt cũng như người bản địa kinh doanh để phục vụ Cộng đồng người Việt và người một số quốc gia châu Á khác đang sinh sống ở đây.
Chị Thúy Nga, quê ở Lào Cai, từng có 12 năm sang Síp làm việc và đã xây dựng gia đình với một người đàn ông bản xứ và hiện đã có một cửa hàng bán đồ Việt Nam chia sẻ: “Người dân ở đây họ quý người Việt Nam lắm. Gia đình tôi đã ổn định ở đây nên tôi mở cửa hàng này để bán hàng và đỡ phải đi làm thuê. Công việc rất ổn định. Khi mở cửa hàng, tôi sống rất hài hòa với mọi người”.
Chị Hòa, người Phủ Lý, Hà Nam cùng chồng sang lao động ở CH Síp chia sẻ:“Chị em sang đây từ nhiều quê khác nhau nhưng rất đoàn kết. Hoạt động hội thì vẫn có và vào những dịp Tết, ngày phụ nữ… vẫn có những hoạt động để động viên nhau, mọi người tham gia rất đông”.
Chị Luyến, người Bắc Giang, sang làm giúp việc đã được 9 năm. Chị cũng cho biết cuộc sống khá ổn định và việc nhiều người trụ lại hơn chục năm chính là vì sự ổn định đó. Chị cũng cho biết thường ra chợ người Việt ngày cuối tuần để cải thiện thêm và bán sản phẩm do chị tự tay làm ra.
“Cả tuần đi làm, chỉ được nghỉ ngày Chủ nhật, tôi tranh thủ làm bánh cuốn từ tối thứ Bảy và ngày Chủ nhật thì mang ra chợ để bán kiếm thêm và phục vụ bà con mình” – Chị Luyến nói.
Những buổi chợ của người Việt dẫu chỉ họp theo kiểu tự phát, quy mô không lớn và chỉ họp vào Chủ Nhật… từ sáng sớm dường như không muốn kết thúc. Đến cuối chiều, hàng hóa bán đã vợi bớt mà không gian vẫn râm ran những câu chuyện không đầu, không cuối. Và chợ Việt đã trở thành nơi giao lưu của cộng đồng Việt. Đến đây, chị em gặp nhau, thăm hỏi sức khỏe, công việc và cũng là dịp để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, nỗi nhớ nhà… Điều đó cũng cho thấy nhu cầu của mọi người về một tổ chức hội để có những hoạt động riêng cho cộng đồng là rất cao.
Hội người Việt tại Síp
Và trong một cộng đồng đông đảo người Việt xa xứ ấy, một tổ chức hội cũng đã được thành lập, được công nhận và đã có những hoạt động rất hiệu quả từ cách đây 10 năm. Trong đó có những người rất tích cực, làm việc rất có tâm và vì công việc chung. Những cái tên như chị Giang, chị Tươi, chị Hiền hay anh Mạnh đã trở nên quen thuộc với bà con. Nguyễn Đức Mạnh, Giám đốc Công ty “Ocean Dragon”, đã vì cộng đồng mà đứng ra làm Chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại CH Síp và được mọi người rất tín nhiệm và sẵn sàng cùng chia sẻ mọi công việc.
Hoạt động của Cộng đồng người Việt tại Síp cũng được chính quyền sở tại đánh giá cao và ông thị trưởng đã ưu ái dành thời gian tới tham dự với một số hoạt động của Hội trong dịp chào đón Tết cổ truyền Việt Nam.
Các hoạt động của Cộng đồng người Việt
Nói về tình hình cộng đồng và hoạt động của tổ chức hội đại diện cho bà con ở đây, anh Nguyễn Đức Mạnh cho biết, người lao động Việt Nam vốn chăm chỉ, thật thà nên có thể nói, đây sẽ là một thị trường tốt cho lao động Việt Nam trong xu hướng xuất khẩu sang các nước hiện nay. Bà con người Việt ở đây làm việc rất yên tâm và không bị bất cứ mối đe dọa nào vì luật pháp của nước sở tại rất nghiêm và mọi người tuân thủ pháp luật rất tốt. Không có chuyện ngược đãi hay quỵt tiền công của người giúp việc và bất cứ điều gì xảy ra thì người lao động đều biết báo cảnh sát, người làm sai sẽ bị truy tố và xử lý ngay.
Khi sang đây, tôi rút ra một điều là nếu Việt Nam mình giải quyết được bài toán về sự khác biệt ngôn ngữ và sự yếu kém trong khả năng giao tiếp tiếng Anh thì thị trường đảo Síp là một thị trường có thể đặt lên bàn cân để có thể gọi là thị trường chiến lược để phát triển xuất khẩu lao động cũng như hợp tác thương mại, kinh doanh nhiều mặt và là cửa ngõ đi vào châu Âu trong tương lai gần.
Anh Mạnh còn giới thiệu những kế hoạch hoạt động của Hội thời gian tới và cho biết, anh đang đề nghị và rất hy vọng chính quyền thành phố Limassol, nơi đông người Việt sinh sống nhất, sẽ tạo điều kiện để cộng đồng người nước ngoài tại quốc đảo Síp có một địa điểm dạng như một trung tâm văn hóa để vào những ngày lễ đặc biệt, những ngưởi Việt Nam và các nước khác có thể giao lưu, giới thiệu những nét văn hóa riêng của dân tộc mình.
Cơ hội làm việc và cộng đồng Việt tại Síp sẽ càng phát triển
Có một điều nữa mà anh Nguyễn Đức Mạnh cũng đang trăn trở và dự định là, trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam xuất đi các nước châu Âu thông qua một số quốc gia phương Tây gặp khó khăn thì có thể lấy quốc đảo Síp, một thành viên của Liên minh châu Âu làm cầu nối tốt cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập châu Âu. Tiềm năng để mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam tại Síp cũng bởi thế, khá khả quan. Anh Mạnh còn đang ấp ủ một dự định về việc thành lập một Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Síp để thu hút các doanh nghiệp VN ở Síp và các nước trong khu vực tới đầu tư và tìm cơ hội hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đi châu Âu.
Ban chấp hành của Cộng đồng Việt Nam tại Síp sẽ được bầu ra bằng một đại hội chính thức mà Đại sứ kiêm nhiệm của Việt Nam tại Italy và CH Síp đã rất ủng hộ. Tuy nhiên, lâu nay đã có một tập thể lãnh đạo tích cực, trong đó chị Phạm Thị Hương Giang, một luật sư giỏi và khá thông thạo mọi vấn đề ở đây, làm Trưởng ban Đối ngoại Cộng đồng; chị Đỗ Thị Tươi, người có mặt trên đảo quốc này trong nhóm những người Việt Nam đầu tiên tới Síp cách đây ngót 20 năm thì phụ trách công tác lao động, việc làm…Rồi còn chị Hiền và nhiều người khác đã sát cánh cùng anh Nguyễn Đức Mạnh trong các hoạt động “không công” này… Tất cả đều chung một mong mỏi rằng, Cộng đồng Việt Nam tại Síp sẽ ngày càng vững mạnh, thành chỗ dựa về tinh thần cho mọi người lao động Việt Nam xa quê hương tại đây.