Các nước trên thế giới trang hoàng và mừng đón lễ Giáng Sinh như thế nào?

Giáng Sinh được xem là một dịp lễ trọng đại của nền văn hóa phương Tây và khi được du nhập vào Việt Nam, nó cũng trở thành một lễ hội lớn được nhiều người quan tâm, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều rất yêu thích. Một điều ấm áp hơn nữa, Giáng Sinh không chỉ là một ngày lễ dành cho những người theo đạo Thiên Chúa Giáo mà còn là dịp để chúng ta sum vầy cùng người thân, bạn bè và trao tặng nhau những món quà ý nghĩa.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh năm 2023, Viet Global sẽ đưa các bạn lên cỗ xe tuần lộc cùng ông già Noel bay vòng quanh thế giới để tìm hiểu xem các nước họ thường trang hoàng, tô điểm và chuẩn bị những gì để ăn mừng mùa lễ đặc biệt này nhé!

1/ Giáng Sinh tại Vương quốc Anh

Đêm đón Giáng Sinh tại Anh, trẻ em thường viết những lá thư gửi ông già Noel rồi ném chúng vào lò sưởi, Bởi vì bọn trẻ tin rằng những lá thư này sẽ bay qua ống khói và đến Bắc Cực – nơi ở của ông già Noel.

Bên cạnh đó, những món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc Giáng Sinh của người Anh là chiếc bánh pudding với “điều đặc biệt” ẩn giấu trong nhân bánh, có khi là hạt đậu, đôi khi là một đồng xu, chúng sẽ sự may mắn cho những người nhận được nó.

Đón Giáng Sinh tại Anh Quốc sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày: Christmas Eve (24/12), Christmas Day (25/12) và Boxing Day (26/12). Trong đó, người Anh không ăn lễ nửa đêm ngày 25 mà là vào chiều ngày hôm ấy. Đêm 24 họ sẽ thường đi dự lễ và khi về nhà liền đi ngủ ngay.

Đối với họ, lễ sáng ngày 25 mới là buổi lễ quan trọng, các thành viên gia đình sẽ gặp gỡ, tặng quà, chúc mừng nhau và có buổi ăn chính. Tuy nhiên từ chiều ngày 24 là những cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm, trường học, công sở… sẽ đóng cửa. Nước Anh cũng là quốc gia đầu tiên sử dụng cây tầm gửi làm biểu tượng cho hòa bình và hạnh phúc trong dịp Giáng Sinh.

Các gia đình người Anh sẽ gặp gỡ, tặng quà, chúc mừng nhau và có buổi ăn chính trong ngày 25/12

2/ Giáng Sinh tại Mỹ

Mỹ là quốc gia có nền văn hóa đa dạng và nhiều phong tục, vì vậy thật khó nói về một lễ Giáng Sinh “độc bản” chỉ của riêng người Mỹ. Những hoạt động trong lễ hội này sẽ tùy thuộc vào văn hóa của mỗi gia đình. Đặc biệt hơn, lễ đón Giáng Sinh ở Mỹ có pha trộn hương sắc của Ireland, Australia, Ba Lan và Bỉ.

Những đứa trẻ ở đảo Hawaii tin rằng ông già Noel sẽ đến từ một chiếc thuyền. Những bạn nhỏ ở Alaska mang theo những ngôi sao rất lớn trong khi chúng vừa đi vừa hát mừng Noel. Còn ở New Mexico, các gia đình sẽ trang trí ngôi sao và đèn lồng giấy ở bên ngoài ngôi nhà của mình. Trong khi đó, trẻ con ở Texas thường tham gia vào lễ hội Posadas giống như được tổ chức ở Mexico. Thật tuyệt khi được đón Giáng Sinh tại một đất nước với nhiều sự kiện hấp dẫn khác nhau phải không nào?!

Những ngôi nhà ở Mỹ thường được trang trí rực rỡ trong mùa lễ Giáng Sinh

3/ Giáng Sinh tại Ý

Ý được mệnh danh là đất nước có những người đàn ông điển trai và phong độ nhất thế giới. Vào đêm Giáng Sinh ngày 24/12, người Ý sẽ thưởng thức một mâm tiệc thịnh soạn với món ăn như cá chình nướng, đĩa rau truyền thống gọi là cardoni, bánh pastry và kem pho mát. Lúc này, những ngọn nến được thắp sáng lung linh và trẻ em sẽ đứng lên kể câu chuyện về ngày lễ và sự ra đời của “em bé thần thánh”.

Bên cạnh đó, những món quà thường được trao tặng sau lễ Mixa lúc nửa đêm. Theo tục lệ truyền thống, không phải ông già mà là bà già Noel tên Strega Buffana sẽ đến thăm trẻ em.

Người Ý sẽ cùng nhau thưởng thức một mâm tiệc thịnh soạn trong đêm Giáng Sinh

4/ Giáng Sinh tại Pháp

Vào đêm trước ngày đón Giáng Sinh, trẻ em sẽ để những đôi giày của mình gần đống lửa để nhận quà từ ông già Noel. Trong khi đó, những đứa trẻ lớn hơn sẽ đi với người lớn đến nhà thờ lúc nửa đêm mới quay về nhà và dùng bữa ăn nhẹ gọi là le réveillon.

Ngoài ra, người Pháp còn tổ chức màn biểu diễn con rối vào đêm Noel, phổ biến nhất là Paris và Pyons, đây là những thành phố hoa lệ bậc nhất từ thời trung cổ.

Theo truyền thống, vào cuối tháng 11, các bà mẹ sẽ mua cho những đứa con một tấm lịch “Calendrier de L’Avent” Bên trong tấm lịch này là những viên kẹo socola vuông, mỗi viên kẹo ứng với một cửa sổ và có đánh số ngày từ mùng 1 đến 24 được sắp xếp lộn xộn. Mỗi buổi sáng, bọn trẻ phải tìm được số ngày ghi trên lịch và mở cửa sổ rồi nhận một viên kẹo socola thưởng. Điều đặc biệt và thú vị này chỉ dành cho tháng Noel.

Ở Pháp, vào cuối tháng 11, các bà mẹ sẽ mua cho những đứa con một tấm lịch “Calendrier de L’Avent”

5/ Giáng Sinh tại Đức

“Alle Jahre wieder” tức là “Đến hẹn lại lên” – câu thành ngữ này luôn nảy ra trong tâm trí của người Đức mỗi dịp đón Giáng Sinh về. Ngay từ đầu tháng 12, khắp nước Đức đều xuất hiện những phiên chợ đặc biệt, từ khu chợ chỉ vài ba gian hàng ở thị trấn nhỏ trang trí bằng lồng đèn, cành thông đơn giản cho đến những hội chợ lớn ở các đô thị tràn ngập không khí thương mại, tưng bừng niềm vui đại lễ.

Theo đó, đi dạo chợ Giáng Sinh là truyền thống của người Đức. Loại hàng hóa nổi tiếng của chợ là bánh “Dresdner Christstollen”. Thuở xưa, bánh còn có tên gọi là Striezel, nổi tiếng đến mức chợ cũng mang tên loại bánh này. Hiếm có ai, đặc biệt là khách du lịch đến chợ lại không thưởng thức loại bánh này và mua về làm quà tặng cho người thân.

Ngoài ra, tại quốc gia này, vào dịp Giáng Sinh, người lớn thường kê một chiếc bàn gần cửa sổ với nhiều bát đĩa. Sau đó trẻ em sẽ vẽ những bức tranh để trên cửa sổ suốt đêm để ông già Noel không quên trút đầy bánh kẹo và quà thưởng vào bát đĩa cho chúng.

Đi dạo chợ Giáng Sinh là truyền thống của người Đức

6/ Giáng Sinh tại Nga

Theo phong tục xưa, Giáng Sinh thường được người Nga tổ chức trong 3 ngày là mùng 7, 8 và 9 của tháng 1. Sở dĩ có điều này bởi từ xa xưa cả Chính Thống giáo và Công giáo đều tổ chứng đón Giáng Sinh vào chung một ngày. Kể cả khi đến năm 1582, tại Châu Âu bắt đầu xuất hiện lịch Grigori (lịch mới), còn ở Nga vẫn sử dụng lịch Julian (lịch cũ) cho đến thời Xô Viết mới đổi lại. Do đó, đạo Chính Thống phương Đông bao gồm Nga và các quốc gia Đông Âu tổ chức đón Giáng Sinh vào ngày mùng 7/1 hàng năm, tức muộn hơn 13 ngày so với Giáng Sinh của Công Giáo (25/12) tại Châu Mỹ, Châu Úc, Tây Âu và một số nước ở Châu Phi.

Theo đó, trước Giáng Sinh người Nga sẽ thường ăn chay 40 ngày với quy định rất nghiêm ngặt. Cho đến ngày 6/1 là ngày cuối cùng của lễ ăn chay nhưng cũng chỉ được phép ăn những món thịt, ca sau khi ngôi sao đầu tiên mọc lên.

Đến buổi tối, mọi người thường quây quần xung quanh đống lửa lớn. Bởi vì họ tin rằng ánh lửa sẽ xua đi bóng tối để bắt đầu cho một năm mùa màng bội thu và giúp linh hồn của người đã khuất không bị lạnh lẽo.

Người Nga thường đón Giáng Sinh khá muộn

7/ Giáng Sinh tại Đan Mạch

Vào Giáng Sinh ngày 24/12, những gia đình ở Đan Mạch cùng nhau tụ họp ăn bữa tối và trao nhau những món quà. Mọi người sẽ nhảy múa xung quanh cây thông được trang trí đẹp mắt và cùng nhau hát những bài ca Giáng Sinh. Bên cạnh đó, cũng khá nhiều người đến tham dự thánh lễ tại nhà thờ.

Ngay từ những ngày tháng 11, trên những đường phố và trong các cửa hàng sẽ được trang hoàng cây vân sam, những trái tim hay hình ảnh của thiên thần cùng vị tiên. Đến tháng 12, nhiều công sở tổ chức tiệc ăn trưa Giáng Sinh và trẻ em bắt đầu chuẩn bị những món quà, trang trí khung cảnh Noel tại trường học.

Ngay từ những ngày tháng 11, người dân Đan Mạch đã bắt đầu vui chơi lễ Giáng Sinh

8/ Giáng Sinh tại Úc

Không giống cỗ xe của ông già Noel được kéo bởi đoàn tuần lộc, theo người Úc thì xe trượt tuyết của ông già Noel được kéo bởi 8 con Kanguru trắng, đây là loại vật đặc trưng và biểu tượng được biết đến nhiều nhất khi nói về nước Úc.

Sự kiện nổi bật không thể thiếu trong ngày Giáng Sinh tại Úc là “Đêm đốt nến hát Thánh ca mùa Giáng sinh” (Carols By Candlelight). Sự kiện này bắt nguồn từ thành phố Melbourne vào năm 1937 và được duy trì cho đến ngày nay. Hàng ngàn người tụ tập cùng hát vang những bài thánh ca với ngọn nến trong tay, truyền đi thông điệp “hòa bình trên khắp trái đất và niềm vui đến mọi nhà”.

Sự kiện không thể thiếu trong ngày Giáng Sinh tại Úc là “Đêm đốt nến hát Thánh ca mùa Giáng sinh”

9/ Giáng Sinh tại Nhật Bản

Người Nhật khá kiêng kỵ việc tặng hay gửi cho nhau những tấm thiệp màu đỏ, vì quan niệm rằng chỉ những tờ cáo phó mới mang màu sắc ấy. Do đó, thay vì tấm thiệp màu đỏ như nhiều quốc gia trên thế giới, người Nhật sẽ tặng nhau những tấm thiệp màu trắng như những bông tuyết, mang ý nghĩa tượng trưng sự thuần khiết, trong sạch.

Người Nhật thường tặng nhau những tấm thiệp màu trắng và mở tiệc ăn mừng Giáng Sinh

10/ Giáng Sinh tại Việt Nam

Ở nước ta, dù không phải ngày lễ chính thức của toàn dân, song Giáng Sinh cũng dần dần được xem là ngày lễ lớn và được tổ chức rộng rãi vào đêm 24 kéo dài đến rạng sáng ngày 25 tháng 12. Không chỉ riêng những người theo đạo Công giáo mà rất nhiều người cũng nô nức và háo hức hòa vào dòng người rước lễ, im lặng hoặc ngân nga theo những giai điệu trầm bổng của ca đoàn nhà thờ.

Ngay từ đầu tháng 12, cây thông Noel được trang trí ở nhiều nơi, nhất là trung tâm thương mại, cửa hàng và xóm đạo. Trên cây thông, người Việt Nam cũng treo gắn thêm nhiều phụ kiện xinh xắn, thường là những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng cùng các gói quà tượng trưng giống các nước ở phương Tây.

Tại Việt Nam, các nhà thờ luôn được trang hoàng lộng lẫy vào mùa Giáng Sinh

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có thêm những hiểu biết thú vị và bổ ích về phong tục đón Giáng Sinh của các quốc gia trên thế giới.

Viet Global chúc các bạn có một mùa lễ Giáng Sinh an lành, ấm áp và đầy ý nghĩa bên những người thân yêu.

M E R R Y  C H R I S T M A S !!!

ĐỂ LẠI THÔNG TIN BÊN DƯỚI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ

    – Hotline / Zalo: 0908 558 959

    – Email: hcmc@hcv.edu.vn

    Contact Me on Zalo