Du học Canada: Bí kíp tìm việc dành cho du học sinh

Du học Canada: Bí kíp tìm việc dành cho du học sinh

Trước tiên phân tích chút xíu, tiếng Việt thay vì dùng tìm việc, mình dùng từ xin việc, nên được hiểu là quan hệ xin-cho, tức là chủ doanh nghiệp cho việc người lao động. Nhưng các bạn nên hiểu theo cách khác là quan hệ bán-mua, tức người lao động bán sức lao động, chủ doanh nghiệp mua lại và trả bằng lương. Vậy ai mua được giá thì mình bán! Giá ở đây bao gồm cả mức lương, thưởng, và nhất là hỗ trợ định cư Canada.

Nói tới đây thì quay ngược lại bạn tự hỏi: Mình có gì để bán?

Trước tiên là kiến thức học ở trường. Học chắc, làm dự án đầu tư nghiên cứu cũng đã có kiến thức. Nhưng chương trình diploma 2-3 năm, hay university 4 năm cũng chưa dạy được nhiều lắm. Cho nên, thị trường lao động yêu cầu những cái không có trong trường dạy thì làm thế nào? Thì bạn phải tự học.

Vậy bạn tự học thế nào?

1/ Học cũng cần phải nghiên cứu thị trường!

Thật vậy, câu trả lời là đi phân tích thị trường, xem người ta cần cái gì ở ngành của mình để chuẩn bị. Cách tốt nhất là vô linkedIn/ indeed/ cổng việc làm của trường đọc các việc làm họ đăng về ngành mình. Xem có những hướng việc làm nào? Mỗi hướng/ vị trí người ta yêu cầu phải biết cái gì? Có những thứ rất khác với thông thường đó các bạn ạ.

Ví dụ:

  • Vị trí marketing một số công ty yêu cầu biết chút xíu về lập trình web html/ css.
  • Graphic design kiểu xài photoshop cơ bản.

>> Hai cái này một số trường không dạy, nhưng có thể tự học dễ dàng.

Thường thì email một số trường liên kết được với lynda.com/ linkedIn learning nên chỉ cần siêng ngồi cày xíu là biết cơ bản để chém gió, và để điền vô đơn xin việc. Hay một số việc làm yêu cầu biết cơ bản về một phần mềm nào đó. Mình tìm ra rồi email thẳng cho công ty phần mềm đó luôn, bảo tôi là sinh viên đang chuẩn bị để tìm việc, công ty có thể cho tôi xin xác nhận được không? Có khi họ có cả khóa đào tạo cấp chứng chỉ luôn. Mình chịu khó cày lấy được là có cái để nói chuyện với chủ doanh nghiệp rồi. Sếp nào cũng muốn tuyển những nhân vật chịu khó tự học như vậy vì có tiềm năng, tuyển vào dễ dạy.

2/ Các tổ chức, hiệp hội ngoài trường cũng là điểm cộng nặng ký

Còn một yếu tố nữa là tham gia các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp. Các bạn có bằng ĐH ở Việt Nam có thể tham gia các tổ chức nghề nghiệp bên này. Ví dụ kỹ sư thì tham gia kĩ sư chuyên nghiệp (Professional Engineer) các tỉnh bang. Thủ tục lằng nhằng tí, nhưng nó rất đáng. Mình vượt qua vòng kiểm tra hay phỏng vấn và trở thành kĩ sư được đào tạo (engineer-in-training) thì cũng có chút xíu để chứng minh năng lực với bên tuyển dụng.

Kế toán thì lên HR Block học khóa khai thuế cũng chứng minh được năng lực. Kiến trúc/ xây dựng ở Ontario thì thi đậu BCIN (building code identification number – chứng nhận xây dựng) cũng tốt. Dù gì có bằng chứng vẫn tốt hơn là nói chay. Đúng không ạ? Còn các bạn sinh viên ngành khác thì tự tìm hiểu ngành mình để tham gia. Nếu có kiểm tra thì làm luôn, đậu thì có thể thêm vào hồ sơ xin việc là tôi đã đậu kì kiểm tra này kiểm tra cho hồ sơ có sức nặng.

Đi tình nguyện cũng là 1 hướng hay, lợi cả 2-3 đường. Xin học bổng trường, xin việc, kể cả định cư sau này cũng có thể thêm vô hồ sơ làm điểm mạnh.

Ví dụ:

  • Xây dựng thì làm cho Habitat Humanity để làm nhà cho người nghèo.
  • Kế toán thì đi khai thuế cho chính phủ vào mùa thuế.

Xin việc và phỏng vấn – Vấn đề muôn thuở

Còn một vấn đề nữa là thể hiện năng lực trên hồ sơ xin việc để vượt qua vòng gửi xe. Chắc nhiều bạn biết người ta quét từ khóa trong hồ sơ xin việc nếu khớp nhiều thì lọt vô vòng trong. Tức là khi xin việc ở Canada, hồ sơ của bạn phải được quét qua phần mềm, do đó bạn cần làm hồ sơ chuẩn để khi người tuyển dụng quét hồ sơ, bạn phải lọt qua vòng lọc hồ sơ, cơ hội tiếp theo mới đến với bạn.

Còn các bạn chưa có kinh nghiệm thì bảo em không biết viết gì vô hồ sơ xin việc thì đi học cũng là 1 kinh nghiệm, nếu bạn hiểu rõ. Bạn phải phân tích việc làm đó yêu cầu kiến thức/ kỹ năng gì. Xem lại trong chương trình có môn nào khớp với yêu cầu đó. Trong hồ sơ xin việc / thư xin việc mình viết rõ, đã học môn/ làm dự án liên quan đến yêu cầu, được giáo sư khen…. Viết xong hồ sơ xin việc/ thư xin việc nhớ nhờ bạn Canadian, hoặc giáo viên, hoặc các cố vấn nghề nghiệp trong trường kiểm tra giùm ngôn ngữ. Chứ sai từ vựng, ngữ pháp thì thôi vào sọt rác trong 1 nốt nhạc.

Tới đoạn được gọi phỏng vấn thì cứ tự tin. Các bạn nên biết rằng ai được dạy cũng đều làm được việc cả. Chả có gì khó. Nên họ hỏi bạn có làm được này kia không, cứ bảo yes. Hiểu rõ thì nói thêm, không hiểu rõ thì nói tôi biết những cái liên quan, nên tôi tự tin làm được nếu được đào tạo. Google, youtube, bạn bè, thầy cô, quản lí… vô số người giúp bạn, xoay xở đi hỏi là làm được thôi. Tự tin lên.

Các bạn sắp tốt nghiệp/coop thì nên rải đơn trước ít nhất 6 tháng. Sẽ được gọi một số cuộc phỏng vấn, và có thể tạch. Nhưng sau lần tạch đó mình biết cái gì còn thiếu thì vẫn còn thời gian fix lỗi cho các cuộc phỏng vấn sau.

Theo Thien An

Nếu bạn cần thêm thông tin chọn trường, tìm chỗ ở, Học bổng du học Canada 2021… Liên hệ ngay với Việt Global để được tư vấn chi tiết:

    – Hotline/Zalo: 0908 558 959 (Zalo)

    – Email: hcmc@hcv.edu.vn

    Contact Me on Zalo