Hệ thống giáo dục Mỹ

Hoa Kỳ là quốc gia có nền giáo dục xếp bậc nhất thế giới và là nơi tọa lạc của nhiều trường đại học danh tiếng luôn có tên trong các bảng xếp hạng uy tín về chất lượng đào tạo. Giáo dục Mỹ được điều hành và giám sát bởi chính quyền địa phương. Mỹ không có hệ thống trường quốc gia, thay vào đó là các trường công lập và tư thục.

Mỗi công dân Mỹ đều được tiếp nhận giáo dục ít nhất 11 năm. Hơn 90% học sinh Mỹ theo học tại các trường tiểu học và trung học công lập bởi chính sách miễn học phí, đa phần các trường này được thành lập và vận hành bởi các nhóm tôn giáo.

Về thời gian biểu, học sinh Mỹ sẽ học 5 ngày / tuần và 6 giờ / ngày. Ngoài giờ học, các em được tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện xã hội, phục vụ cộng đồng và các câu lạc bộ phát triển năng khiếu. Đối với học sinh quốc tế, hiện nay phụ huynh có xu hướng gửi con em của mình đến học tập tại nước Mỹ sau khi kết thúc chương trình lớp 11 hoặc 12 tại đất nước của họ.

Bậc tiểu học và trung học

Giáo dục bậc Tiểu học và Trung học của Mỹ cũng giống như Việt Nam, kéo dài 12 năm từ lớp 1 đến lớp 12, và năm học đầu tiên bắt đầu khi học sinh lên 5 – 6 tuổi. Tuy nhiên, ở Mỹ có nhiều điểm khác biệt, đó là theo truyền thống trường tiểu học dạy từ lớp mẫu giáo đến lớp 5, bậc trung học phổ thông bắt đầu từ lớp 9, và sau khi hoàn thành lớp 12 học sinh mới nhận bằng tốt nghiệp.

Bậc học Lớp Độ tuổi
Tiểu học (Primary school) Lớp 1 – 5 5 – 10
Trung học cơ sở (Middle school) Lớp 6 – 8 11 – 13
Trung học phổ thông (High school) Lớp 9 – 12 14 – 18

Từ bậc Trung học, các học sinh Mỹ được phép tự chọn lớp học, giờ học và giáo viên bộ môn phù hợp với bản thân. Đặc biệt tại các trường công, công dân Mỹ được miễn học phí bậc tiểu học và trung học.

Thông thường, đa phần học sinh quốc tế đến Mỹ học từ năm lớp 11, 12 để chuẩn bị lên Cao đẳng, Đại học. Các kỳ nhập học thường vào tháng 5, 6, 8 hoặc 9 hằng năm.

Bậc cao đẳng và đại học

Sinh viên sau khi hoàn thành bậc trung học sẽ tiếp tục học bậc cao hơn là Cao đẳng (2 năm) và Đại học (4 năm). Sau khi tốt nghiệp bậc học này, sinh viên sẽ được cấp bằng Cử nhân B.A (Bachelor of Arts) hoặc B.S (Bachelor of Science) tùy vào ngành học. Cũng tương tự như bậc Trung học, sinh viên được tự chọn lớp học, giờ học, giảng viên và tự lên thời khóa biểu cho bản thân. Ngoài các môn học chuyên ngành bắt buộc, sinh viên có thể lựa chọn những môn khác.

Ở Hoa Kỳ, rất nhiều sinh viên chọn học tại các trường cao đẳng cộng đồng bởi mức chi phí rẻ hơn nhiều so với trường cao đẳng thông thường. Tại đây, sinh viên sẽ học 2 năm cao đẳng và lấy bằng chuyển tiếp lên chương trình đại học cho 2 năm còn lại.

Hệ thống giáo dục bậc cao của Mỹ rất linh hoạt và cởi mở. Mỗi học sinh có thể học nhiều ngành và thời gian tốt nghiệp sớm hay trễ tùy thuộc vào số lượng ngành mà sinh viên chọn. Hơn nữa, trong quá trình học sinh viên còn được quyền thay đổi ngành học nếu cảm thấy mình đam mê và phù hợp với ngành khác hơn.

giaoducMy

Bậc thạc sĩ

Chương trình cao học dành cho những sinh viên đã tốt nghiệp Đại học và muốn nâng cao học thuật và học vị để phát triển nghề nghiệp. Bậc Thạc sĩ thường mất khoảng 1 đến 2 năm để học, và sau khi hoàn thành bài luận án thạc sĩ sinh viên sẽ được cấp bằng M.A (Master of Arts), M.S (Master of Science), MBA (Master of Business Administration)… tùy vào ngành học.

Điều kiện để học Thạc sĩ cần có điểm GRE, GMAT cho các ngành kinh doanh, quản lý… hoặc LSAT cho ngành luật, và MCAT cho ngành Y.

Bậc tiến sĩ

Sau khi lấy bằng Thạc sĩ, đa phần sinh viên đi làm từ 1 đến 2 năm trước khi học lên bậc Tiến sĩ. Nhiều sinh viên chọn học tại trường cũ để được xét thẳng mà không cần phải nộp lại hồ sơ. Đối với bậc này, sinh viên phải mất ít nhất 4 năm để nghiên cứu, sau đó dành thêm ít nhất 1 năm để làm luận văn. Để lấy bằng Tiến sĩ, sinh viên cần có 1 đến 2 bài nghiên cứu thể hiện quan điểm riêng và được giới chuyên môn công nhận. Đặc biệt, đa số các trường đều có chương trình học bổng dành cho các sinh viên học Tiến sĩ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo