Vương quốc Anh được biết đến là nơi nuôi dưỡng những “bộ óc” lỗi lạc của thế giới với một nền giáo dục đại học lâu đời và sở hữu danh sách những trường danh tiếng nhất thế giới. Hàng năm, có hàng ngàn sinh viên quốc tế chọn Anh Quốc làm điểm đến du học. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được ước mơ du học Anh có rất nhiều điều quan trọng bạn cần lưu ý.
1/ Chuẩn bị tài chính
Một trong những phần quan trọng khi đi du học chính là chứng minh tài chính. Đối với Anh Quốc, điều này chỉ hợp lệ khi tài khoản ngân hàng đứng tên bạn bắt buộc phải được mở tối thiểu 28 ngày kể từ ngày bạn nộp đơn xin du học tại nước sở tại.
Nếu như tài khoản đứng tên bố mẹ thì cần có giấy bảo trợ cho bạn từ phía bố mẹ. Số tiền trong tài khoản này cần phải đảm bảo đủ cho 1 năm đầu tiên của bạn tại Anh Quốc.
Tùy vào trường học, ngành học và nơi bạn chọn để sinh hoạt học tập mà các mức chi phí sẽ khác nhau. Thông thường, khi quyết định đi du học tại Anh, bạn cần phải có trong tài khoản của mình ít nhất 30.000 USD (hơn 600 triệu VND) để có thể đáp ứng được toàn bộ các nhu cầu chi phí tại đây.
Ví dụ: Bạn chọn sinh sống và học tập tại thủ đô London hay các thành phố tại miền Đông Nam nước Anh sẽ có chi phí sinh hoạt cao hơn so với miền Bắc hoặc xứ Wales hay Scotland và Bắc Ireland. Chi phí sinh hoạt trung bình tại London vào khoảng ~10.000 USD/năm. Còn các vùng ngoài London khoảng ~8.000 USD/năm.
Xem thêm: Chứng minh tài chính du học Anh như thế nào?
2/ Giấy tờ thiết yếu
- Hộ chiếu có visa (kiểm tra dấu nổi trên visa)
- Vé máy bay
- Thư mời học từ trường
- Kết quả khám sức khỏe (nếu có), kết quả chụp X–quang
- 01 bộ hồ sơ dịch công chứng về kết quả học tập gần nhất của bạn tại Việt Nam
- Giấy tờ chứng minh khả năng tài chính
- Sổ bảo hiểm (nếu có)
- 10 ảnh 4×6 và 10 ảnh 3×4 để dùng khi cần đến
- Địa chỉ trường học của bạn, nơi bạn ở kèm theo số điện thoại
- Số điện thoại khẩn 24/24 mà trường cung cấp, số điện thoại người thân tại Việt Nam
- Tiền đi đường: không nên mang quá nhiều tiền, nên mang trong khoảng 500 tới 1000 bảng (nên có tiền lẻ, giá trị nhỏ), học sinh nên mở thẻ debit card từ Việt Nam để đảm bảo an toàn
3/ Đồ đạc, hành lý mang theo
Áo quần phù hợp
Hầu hết các khóa học ở Anh thường bắt đầu vào tháng 9, tức là vào thời điểm thu – đông. Vì thế, thời tiết sẽ khá lạnh đối với du học sinh Việt Nam. Bạn cần để ý đến những món đồ ấm như áo khoác len, áo gió, áo măng-tô cũng như áo mưa để phòng trường hợp trời mưa. Giày ủng đi mưa và dù cũng rất cần thiết với tiết trời đặc trưng xứ sương mù.
Ở Anh cũng có một số ngày ấm áp nên bạn cũng nên mang theo áo thun mỏng. Quần jeans là một món đồ phổ biến ở Anh bởi tính tiện dụng của nó. Ngoài ra, đây cũng là giải pháp thích hợp cho cả những tháng nắng nóng hoặc lạnh lẽo.
Thuốc, y tế cá nhân
Du học sinh nên mang theo thuốc dự phòng. Những loại thường sử dụng như thuốc ho, dầu xoa, thuốc đau đầu, cảm sốt, nhỏ mũi, kháng sinh…
Phần mềm từ điển tiếng Anh
Bạn lưu ý khi du học Anh là không cần phải mang theo những quyển từ điển dày cộm (Anh – Việt, Việt – Anh…) trong hành lý du học ở Anh. Hãy gọn nhẹ bằng cách chuẩn bị sẵn một số phần mềm tra cứu trong máy tính, một số CD-Rom từ Việt Nam. Hoặc bạn có thể đăng ký sử dụng những phần mềm tra cứu đó tại Anh. Mức giá tầm khoảng 2 – 5 bảng.
Máy tính xách tay
Một điều chắc chắn bạn phải có khi học tại Anh chính là máy tính xách tay. Bạn có thể mang từ Việt Nam qua hay mua tại Anh, giá cả không chênh lệch nhiều. Máy tính xách tay sẽ là một công cụ vô cùng đắc lực cho việc học của bạn cũng như việc liên lạc về nhà.
Đi kèm theo máy tính là các phần mềm cơ bản hỗ trợ 2 việc trên. Bạn có thể học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, đặc biệt là những người đã và đang học cùng ngành với bạn. Có thể kể ra ở đây như Microsoft Office, Acrobat, Unicode, Skype…
4/ Liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Anh
Du học sinh Việt Nam cần liên lạc ngay với Đại sứ quán Việt Nam ngay khi bạn tới Anh. Từ đó họ có thể lưu trữ thông tin của bạn để có thể bảo vệ cũng như hỗ trợ cho các bạn khi gặp những điều bất trắc. Đồng thời thông báo các chương trình hoạt động của cộng đồng người Việt tại Anh.
Ngay từ khi làm hồ sơ tại Việt Nam, bạn cần phải điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Sở Ngoại vụ. Nhờ đó Đại sứ quán mới được thông báo và nắm thông tin của các bạn.
5/ Chủ động việc tìm chỗ ở
Việc khó khăn nhất với du học sinh Việt chính là tìm một chỗ ở thuận tiện cho việc học. Do đó, ngay từ khi còn ở Việt Nam, các bậc phụ huynh và các bạn cần sắp xếp chỗ ở trước. Bạn có thể nhờ người quen, bạn bè hiện đang ở Anh hay Bộ phận tuyển sinh quốc tế trường đăng ký học tìm giúp một chỗ ở.
Ngoài ra, bạn có thể tìm thông tin về các nhà sinh viên quốc tế hay các chương trình homestay (ở với dân điạ phương) trên Internet và thỏa thuận trước. Nếu học tại London, bạn có thể tìm một chỗ ở Zone 3 hay 4, tuy hơi xa trung tâm một chút (khoảng 30 phút hơn đi tàu điện ngầm) nhưng không quá mắc. Còn Zone 1 – 2 là khu trung tâm dành cho văn phòng làm việc… chi phí thuê chỗ ở sẽ rất cao và rất khó kiếm.
6/ Trình độ tiếng Anh
Khi làm các bài thi kiểm tra trình độ tiếng Anh như TOEFL, IELTS… bạn đừng bao giờ có ý định quay cóp hay làm những thủ thuật để có thể đạt điểm cao hơn so với trình độ thực tế của bạn.
Nếu bạn gian lận và vô tình được một kết quả tốt và được cấp visa để du học tại Anh. Điều đó thực sự không tốt cho việc học của bạn tại Anh một chút nào. Bạn sẽ thấy chật vật để theo kịp các bạn khác trong lớp và tốc độ học ở đây vì không đủ trình độ tiếng Anh. Từ đó ảnh hưởng kết quả học tập chung của bạn và cả quá trình du học.
Do vậy, đừng bao giờ gian lận trong các kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh. Hãy trung thực và làm bài hết sức mình. Nếu kết quả tiếng Anh của bạn đủ tốt và được các trường nhận vào học. Điều đó có nghĩa là bạn đã sẵn sàng để du học, xét về mặt ngôn ngữ. Nếu kết quả chưa tốt, đừng buồn bực mà hãy cố gắng rèn luyện tiếng Anh của bạn thêm. Sau đó thi lại vào một dịp gần nhất mà bạn có thể.
7/ Việc đi lại tại Anh Quốc
Đi lại trong London
Bằng tàu điện ngầm
Đi tàu điện ngầm là cách đi nhanh nhất và phổ biến nhất tại London. Tàu điện ngầm thường chạy từ 5h30 sáng đến 12h đêm, trừ những ngày lễ và Chủ nhật có thể giờ chạy sẽ khác.
Các đường tàu điện khác nhau được phân biệt bằng các màu khác nhau trên bản đồ tàu điện ngầm. Các bản đồ này bạn có thể lấy miễn phí tại các ga hay các trung tâm du lịch. Nếu bạn chưa có vé tuần, tháng, thì bạn phải mua vé trước khi lên tàu tại quầy bán vé, máy bán vé tự động tại ga hay các đại lý thông tin.
Nếu bạn đi lại nhiều và thường xuyên (2 lần trong ngày) bằng tàu điện ngầm, xe buýt, và các tàu khác trong London thì bạn nên mua vé ngày, vé cuối tuần, vé tháng gọi chung là Travel card. Điều này sẽ tiết kiệm cho những ai đi nhiều nơi và bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Ngoài ra, nếu bạn ở nơi khác muốn lên London chơi trong vài ngày, bạn có thể mua một thẻ Day travel card. Thẻ này cho phép bạn có thể dùng nhiều phương tiện (tàu lửa, tàu điện ngầm, xe buýt), đi lại nhiều nơi (Zone 1 – Zone 6) trong ngày tại London. Giá của một thẻ là 7.50 bảng.
Bằng xe buýt
Xe buýt thường chậm hơn nhiều so với tàu điện ngầm, và hay bị tắc nghẽn giao thông. Phần lớn các bến xe buýt là bến yêu cầu dừng (request stop). Tức là bạn phải đưa tay vẫy thì xe mới dừng lại.
Vé xe buýt có thể mua ngay trên xe nếu bạn đi một lần. Vé đơn cho 1 lần đi trong Zone 1 là 1 bảng, ngoài Zone 1 giá vé là 70 pence. Nếu mua 6 cái vé đơn (gọi là savers) tại các news agent thì giá vé rẻ hơn thường là 3.90 bảng và chúng có thể sử dụng cho tất cả các Zones.
Loại này phù hợp với những người đi lại ít thường 1 lần hoặc 2 lần trong ngày và mỗi lần đi là đi đường dài. Nếu bạn thường xuyên phải sử dụng xe buýt bạn nên mua vé tuần, vé tháng tại các đại lý thông tin, ga tàu điện ngầm, quầy bán vé tự động.
Đi lại trong các thành phố khác
Bằng xe buýt đường dài (coach)
Đi lại bằng coach là cách thức rẻ nhất để đi các nơi ở Anh. Tại Anh có hãng National Express là hãng xe coach lớn nhất phục vụ hơn 1.200 điểm đến khác nhau. Bạn nên đặt vé trước chuyến đi.
Bạn nên làm thẻ coachcard, thẻ này áp dụng cho những ai từ 16 – 25 tuổi và cho tất cả các sinh viên chính quy (full time students). Một thẻ này có giá là 10 bảng và sử dụng trong 1 năm, hoặc loại thẻ 3 năm có giá 19 bảng. Với thẻ này bạn được giảm giá 30% cho tất cả các chuyến đi trong nước khi bạn mua vé coach.
Bằng Megabus
Đây là loại xe buýt đặc biệt rẻ và rất được ưa chuộng bởi sinh viên. Tuy nhiên số tuyến của Megabus lại rất hạn chế. Giá vé của megabus là 1 bảng cho vé đơn nếu bạn đặt trước qua internet, và là 3 bảng nếu bạn mua tại trên xe. Tuy nhiên trước hết bạn nên kiểm tra tuyến xem nơi bạn cần đến có megabus chạy tới đó không.
Bằng tàu hỏa
Đi bằng tàu hỏa giữa các thành phố ở Anh là cách thức nhanh và tiện. Tuy nhiên sẽ đắt hơn so với việc bạn đi xe coach. Nếu như bạn phải đi lại nhiều bằng tàu hỏa bạn nên mua thẻ Young Person Railcards. Thẻ này áp dụng đối với những người từ 16 – 25 tuổi và cho tất cả các sinh viên chính quy với giá 18 bảng/năm. Với thẻ này bạn sẽ được giảm 1/3 khi mua vé.
Bằng xe đạp
Xe đạp là phương tiện đi lại khá thuận tiện và tiết kiệm. Hơn nữa, bạn đi xe đạp sẽ có điều kiện để ngắm cảnh một cách tuyệt vời. Bạn thích dừng ở đâu bạn có thể dừng tại đó và khóa lại để thăm thú ở nơi đó khi bạn muốn. Nếu bạn muốn đem xe đạp đến các tỉnh thành khác thì bạn cũng có thể đem được khi bạn đi xe coach hoặc tàu. Đặc biệt bạn không phải trả chi phí cho vận chuyển.
Bạn nên có một bản đồ đi xe đạp ở London hay ở bất kì thành phố nào khác. Bản đồ đó bạn có thể lấy miễn phí tại các hiệu bán xe đạp khi đi mua xe hoặc xin qua internet.
8/ Việc làm tại Anh Quốc
Thông thường nếu bạn muốn làm việc tại Anh bạn cần phải có National Insurance Numbercard. Bạn cần có những giấy tờ sau để làm thủ tục xin National Insurance Numbercard:
- Hộ chiếu (tối thiểu visa của bạn phải có thời hạn 6 tháng)
- Giấy giới thiệu của nơi bạn đến làm việc
- Giấy tờ chứng nhận nơi ở của bạn (một trong số các hóa đơn tiền điện, điện thoại, gas… do bạn đứng tên hay giấy đăng ký thuê nhà)
Sau khi bạn có đầy đủ giấy tờ trên bạn cần có một cuộc hẹn với cơ quan có thẩm quyền tại nơi bạn ở, bạn sẽ có cuộc gặp nói chuyện với đại diện cơ quan có thẩm quyền về người lao động. Nếu được chấp thuận bạn sẽ nhận National Insurance Numbercard sau hai tuần kể từ ngày gặp mặt.
Xem thêm: Việc làm thêm cho du học sinh tại Anh
9/ Chuẩn bị tinh thần thật tốt
Hãy xác định trước những khó khăn mà bạn sẽ có thể gặp phải khi du học tại Anh. Và hãy chuẩn bị giải quyết những điều đó. Chẳng hạn như tìm kiếm và sắp xếp chỗ ở, cách đi lại, cách sử dụng thẻ để thanh toán, cách quản lý thời gian của bản thân, làm thế nào để theo kịp các bạn khác trong lớp…
Điều quan trọng nữa bạn phải xác định ngay từ khi còn ở Việt Nam là bạn phải tự mình giải quyết mọi việc. Bởi vì du học cũng đồng nghĩa với việc xa gia đình và phải tự lập. Ở Anh, người ta không giúp bạn không phải do họ không thích bạn mà chỉ đơn giản là họ chưa lo xong cho bản thân của họ thì làm sao có thể giúp người khác? Vậy, bạn hãy tập tự mình làm mọi thứ ngay khi còn ở Việt Nam.
10/ Lên kế hoạch cho chuyến đi
Vương quốc Anh là một quốc gia có diện tích không quá lớn nhưng lại có rất nhiều sân bay với hàng trăm chuyến bay mỗi ngày. Không chỉ ở các đô thị lớn mà ngay cả những thành phố hay thị trấn nhỏ hơn cũng có sân bay.
Tuy nhiên, những chuyến bay quốc tế thường chỉ đến các thành phố lớn như London, Manchester hay Edinburgh. Nếu nơi bạn học tập không phải là ba địa điểm trên thì khả năng phải đổi máy bay là rất cao.
Nếu chuẩn bị trước cho hành trình của mình, bạn chắc chắn sẽ giảm được các rủi ro lớn như trễ chuyến bay, bị lạc ở sân bay… Nên nhớ là một số thành phố lớn sẽ có nhiều sân bay (London có 5 sân bay) nên hãy kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo bạn đến đúng sân bay đó và biết cách đi từ sân bay đó về nhà.
Vui lòng liên hệ với Viet Global để được tư vấn về du học Anh.